Omicron có thể tồn tại và lây nhiễm sau bao lâu bám vào da người?

Các nghiên cứu cho thấy Omicron là biến chủng có tính ổn định và thời gian tồn tại trên các bề mặt, da người lâu nhất từ trước đến nay.
Trong tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và CDC các quốc gia, nCoV chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc giọt bắn hoặc không khí. Tuy nhiên, ngay từ đầu đại dịch, nhiều quan điểm lo ngại virus này có thể bị lây truyền khi chạm vào các bề mặt chứa virus, dấy lên những cuộc điều tra về thời gian tồn tại của nCoV ngoài môi trường là bao lâu.
Trong hai nghiên cứu mới được đăng tải trên Biorxiv, các nhà khoa học phát hiện biến chủng Omicron tồn tại lâu hơn trên bề mặt và da người so với những chủng trước. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân biến chủng này lây lan mạnh trên toàn cầu như chúng ta đang chứng kiến.
Lâu nhất từng thấy
Theo The Hill, trong nghiên cứu đầu tiên, nhóm tác giả lấy mẫu da người từ các mẫu khám nghiệm tử thi để làm thí nghiệm. Họ sử dụng nhựa làm bề mặt để so sánh. Thời gian tồn tại của virus được tính là thời gian khi các công cụ xét nghiệm chẩn đoán không còn khả năng phát hiện virus trong các mẫu bề mặt.
Trước đó, chủng virus gốc được tìm thấy ở Vũ Hán có thời gian tồn tại bên bề mặt nhựa là 56 giờ. Các biến chủng sau đó như Alpha, Beta, Gamma, Delta có thời gian tương ứng là 191, 157, 59 và 114 giờ. Trong khi đó, Omicron có thể tồn tại lên tới 193,5 giờ.

Trên da người, chủng nCoV ban đầu tồn tại được trong 8,6 giờ. Các biến thể sau đó dao động từ 11 đến 19,6 giờ. Omicron tiếp tục có thời gian tồn tại lâu nhất với 21,1 giờ.

 

Các chất khử trùng có hiệu quả chống lại tất cả chủng virus trong vòng 15 giây. Tuy nhiên, các biến chủng đáng quan ngại có sức đề kháng cao hơn so với chủng Vũ Hán. Trên da người, tất cả chủng nCoV bị bất hoạt hoàn toàn trong vòng 15 giây sau khi tiếp xúc ethanol 35%.
Thời gian tồn tại của biến chủng nCoV trên các bề mặt
Biến chủngNhựaDa người
nCoV gốc568,6
Alpha15919,6
Beta15719,1
Gamma5911
Delta11416,8
Omicron193,521,1
Đơn vị tính: Giờ đồng hồ

Omicron ổn định hơn trên tất cả bề mặt

Các tác giả kết luận trên bề mặt nhựa và da, biến chủng đáng quan ngại có thời gian tồn tại lâu gấp hai lần so với chủng Vũ Hán. Đặc biệt, nó vẫn có khả năng lây nhiễm trên bề mặt da trong 16 giờ. Do đó, nhóm tác giả đặc biệt khuyến cáo chúng ta nên rửa sạch tay, khử khuẩn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tính ổn định trong môi trường cao của các biến chủng này, nhất là Omicron có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây lan nhanh. Ngoài ra, chính vì đặc điểm này, các tác giả cho rằng Omicron dễ dàng thay thế Delta.
Ở nghiên cứu thứ hai, các nhà khoa học so sánh thời gian tồn tại của SARS-CoV-2 chủng gốc và Omicron trên những bề mặt nhẵn như xốp, thép không gỉ, tấm polypropylene, thủy tinh, giấy lụa và giấy in. Nghiên cứu này không bao gồm các biến chủng khác như Delta.
Từ đây, họ phát hiện Omicron là biến chủng ổn định hơn chủng ban đầu trên tất cả bề mặt. Sau 2 ngày, hầu hết chủng nCoV gốc đã biết mất khỏi thép không gỉ, tấm polypropylene và thủy tinh. Sau 4 ngày, virus chỉ được tìm thấy trên bề mặt kính. Với Omicron, các nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy virus từ các bề mặt sau đó 7 ngày.
Trên bề mặt xốp, chủng nCoV gốc không thể tìm thấy sau 30 phút. Trên giấy in, số lượng virus sau 5 phút đã giảm 99,86% và sau 15 phút, không còn virus nào. Thời gian tồn tại của Omicron lâu hơn, với giấy lụa và giấy in đều là hơn 30 phút.
Kết quả của hai nghiên cứu này phù hợp với nhiều công bố trước đây. Tháng 1/2021, một bài báo in trên tạp chí Nature đã tìm thấy nCoV sau 21 ngày trên bề mặt nhựa, 14 ngày trên thép không gỉ, 7 ngày trên găng tay nitrile và 4 ngày trên găng tay chống hóa chất, mặc dù tải lượng khá thấp. Hơn 95% virus đã biến mất khỏi bề mặt thép không gỉ sau 24 giờ. Tải lượng virus giảm đáng kể sau 4 giờ ở trên bông và không thể phát hiện sau 24 giờ.
Giữa tháng 2, các bác sĩ từ Đại học D’Annunzio, Italy, phát hiện nCoV trên thi thể người đàn ông chết đuối tại quốc gia này. Người đàn ông 41 tuổi đến từ Ukraine đã chết khi đi bơi trên biển với bạn bè. 16 giờ sau, thi thể của ông được tìm thấy nằm giữa những tảng đá gần Chieti, bờ biển phía đông miền Trung Italy. Cơ quan chức năng đã khám nghiệm tử thi và phát hiện nạn nhân dương tính với nCoV.
Trước khi chết, người này không có triệu chứng mắc Covid-19. Tuy nhiên, theo hướng dẫn hiện hành của Italy, tử thi vẫn được lấy mẫu dịch tỵ hầu và làm xét nghiệm rRT-PCR. Họ thực hiện tổng cộng 28 lần ngoáy mũi lấy dịch tiết trong 41 ngày. Tất cả mẫu bệnh phẩm đều cho kết quả dương tính với nCoV.
Những nghiên cứu này được cho là giúp lý giải nguyên nhân Omicron khiến ca mắc mới trên toàn cầu tăng nhanh như hiện nay. Nó vẫn có thể nguyên vẹn trong đất, vật liệu khác nhau như nhựa, thép. Tuy nhiên, họ cần làm nhiều nghiên cứu hơn để xác định nguy cơ lây nhiễm của nCoV trên từng bề mặt.
Theo: https://zingnews.vn/omicron-co-the-ton-tai-va-lay-nhiem-sau-bao-lau-bam-vao-da-nguoi-post1305216.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo-icon
facebook-icon